Ni và De: Cách lựa chọn 2 loại trợ từ chỉ vị trí trong tiếng Nhật
Trợ từ trong tiếng Nhật gây ra vô số khó khăn đối với người học. Bài viết này sẽ chỉ ra cách để phân biệt hai trợ từ chỉ vị trí là Ni và De một cách dễ hiểu nhất!
Hai trong số những trợ từ đầu tiên bạn sẽ tiếp cận khi lần đầu học Tiếng Nhật là “ni” và “de”.
Hai từ này thường dễ bị nhầm lẫn với nhau bởi những lí do sau đây:
- Cả hai đều có thể dùng để định vị một nơi chốn hay vị trí.
- Tùy thuộc vào ngữ cảnh, trong tiếng anh, cả hai đều mang nghĩa “in”, “on”, “at”.
- Thông thường, khá dễ để phân biệt giữa hai trợ từ này. Bạn chỉ cần nắm được rõ công dụng của chúng.
Bài viết này tôi sẽ dùng ví dụ để chỉ ra điểm khác biệt rõ ràng giữa “ni” và “de”, đồng thời cho bạn một số quy tắc hữu ích để bạn đảm bảo lựa chọn của mình là đúng.
Xem thêm: Trợ từ Ni và 1 số động từ đi kèm
Sự khác biệt giữa “ni” và “de”
Cũng như nhiều trợ từ khác, ta biết rằng “ni” và “de” định nghĩa một vai trò nhất định cho từ hoặc cụm từ trước khi ghép nghĩa chúng với động từ:
Ta cũng biết một trong những tác dụng của trợ từ “ni” và “de” là xác định từ hay cụm từ đứng trước nó là một địa điểm.
Nói một cách đơn giản, sự khác nhau giữa “ni” và “de” nằm ở đây:
• Ni cho biết địa điểm của sự vật.
• De cho biết địa điểm xảy ra hành động của sự vật.
Cùng xem vài ví dụ với trợ từ “ni”.
Yui đang ở công viên.
Yui wa kōen ni imasu.
ゆい は こうえん に います。
ゆいは公園にいます。
Ở đây, chúng ta dùng “ni” bởi hành động trong câu là “imasu”, có nghĩa là “có”, “hiện hữu”, nên mục đích của câu là cho ta biết Yui ở đâu.
Trái ngược với câu sau đây sử dụng trợ từ “de”:
Yui đã chơi ở công viên.
yui wa kōen de asobimashita.
ゆい は こうえん で あそびました。
ゆいは公園で遊びました。
Động từ trong câu là “asobimashita”, nghĩa là “đã chơi”, nên mục đích của câu là cho ta biết rằng Yui đã chơi. “Kouen de” cho chúng ta biết địa điểm mà hành động xảy ra.
Xem thêm: Bí kíp làm bài tập trợ từ đạt điểm 10
Vì thế, những động từ được sử dụng kèm với các trợ từ này thường khác nhau:
• “Ni” thường được dùng chung với cả động từ “imasu” và “arimasu”, cả hai đều mang nghĩa là “có”, “tồn tại”.
• “De” thường được dùng với những động từ miêu tả hành động, cũng như hầu hết những động từ còn lại.
Điều này áp dụng được với hầu hết mọi trường hợp. Nói cách khác:
• Nếu trong câu mô tả vị trí của người hoặc vật, “ni” được dùng để cho biết vị trí của người hoặc vật đó.
• Nếu trong câu mô tả một người đang làm gì đó, “de” được dùng để cho biết vị trí người đó đang thực hiện hành động.
Để cho rõ, cần phải lưu ý rằng cả 2 trợ từ đều có những công dụng khác mà chúng ta không đề cập ở đây:
- Ví dụ, công dụng khác của “de” là xác định phương tiện thực hiện hành động, ví dụ như phương tiện giao thông hay dụng cụ thực hiện.
- Tương tự, “ni” cũng có nhiều công dụng khác, ví dụ như chỉ đích đến của hành động miêu tả sự di chuyển.
Chúng ta cũng có thể gọi đích đến này là địa điểm, nhưng rõ ràng những hành động mô tả sự di chuyển tới một đích đến, như “ikimasu” (đi), “kimasu” (đến), và “kaerimasu” (về), khác biệt hoàn toàn so với những hành động không trực tiếp liên quan đến sự chuyển động có hướng, như “tabemasu” (ăn), “mimasu” (xem) hay “asobimasu” (chơi).
Vì thế, khi nói “đích đến + ni”, thì trợ từ “ni” ở đây mang nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa xác định vị trí mà chúng ta đang đề cập trong bài viết.
Chúng ta chỉ tập trung đề cập vào công dụng xác định vị trí hiện hữu hay xảy ra hành động của hai trợ từ.
Một ví dụ khác:
Haruki đã ở trường tới 5h.
haruki wa goji made gakkō ni imashita.
はるき は ごじ まで がっこう に いました。
はるきは5時まで学校にいました。
Haruki đã học ở trường tới 5h.
haruki wa goji made gakkō de benkyō shimashita.
はるき は ごじ まで がっこう で べんきょう しました。
はるきは5時まで学校で勉 強しました。
Như ví dụ trước, sự khác biệt khá rõ ràng. Câu đầu tiên cho ta biết nơi Haruki đã ở còn câu thứ 2 cho ta biết nơi Haruki đã làm gì.
Thêm một ví dụ khác.
Tôi sẽ ở đây đến hai giờ.
(watashi wa)* niji made koko ni imasu.
(わたし は)* にじ まで ここ に います。
(私は)* 2時までここにいます。
Tôi sẽ đợi cô ấy đến hai giờ.
(watashi wa)* niji made koko de machimasu.
(わたし は)* にじ まで ここ で まちます。
(私は)* 2時までここで待ちます。
*Trong một số trường hợp, rõ ràng người nói đang nói về bản thân, nên “watashi wa” được lược bỏ.
Để ý rằng cả hai câu đều mang cùng một ý nghĩa. Người nói cho ta biết rằng anh ta sẽ ở ngay đấy cho đến hai giờ. Anh ta sẽ không đi đâu hay làm gì cả.
Tuy nhiên, trợ từ sử dụng sẽ thay đổi dựa trên động từ được chọn đơn giản là “ở”, hay là động từ mô tả hành động (dù bản thân hành động mang nghĩa không làm gì cả).
Vậy nên, dù là cùng một hoạt động, cách chúng ta mô tả nó, quyết định nên sử dụng “ni” hay “de”.
Xem thêm: Cách sử dụng trợ từ Ni khi học tiếng Nhật
Những từ cũng mang nghĩa “ở”
Khác với tiếng Anh, tiếng Nhật có ba từ mang nghĩa “là” hoặc “ở”.
Hai trong số chúng gần như giống nhau, đó là “imasu” và “arimasu”.
Chúng đều mang nghĩa “thứ gì đó ở đâu đó”, lấy ví dụ, “Quyển sách ở đó.”
Chúng miêu tả sự tồn tại. “Imasu” được dùng cho người và vật, còn “arimasu”
dùng cho tĩnh vật (hầu hết là những vật vô tri, cùng một với vật sống như thực
vật).
Từ cuối cùng là “desu”. Tuy nhiên, nó được sử dụng với nghĩa “thứ này tương xứng với thứ khác”, ví dụ “Quyển sách thì nặng.”
Dễ gây nhầm lẫn – Thể Te imasu
Ở ví dụ trước, lí do tôi sử dụng “imasu” ở thì hiện tại và “asobimashita” ở thì quá khứ để làm rõ trọng tâm nằm ở từ được dùng miêu tả, không phải thì của chúng.
Nếu ta đổi ví dụ trợ từ “de” để diễn tả việc Yui đang chơi, thì nó sẽ như sau:
Yui đang chơi ở công viên.
yui wa kōen de asonde imasu.
ゆい は こうえん で あそんで います。
ゆいは公園で遊んでいます。
Như bạn thấy, động từ “asobimasu” đã trở thành:
asonde imasu
あそんで います
遊んでいます
Nếu bạn chưa biết thể động từ này, thì đây là thể te của động từ “asobimasu”, cộng thêm từ “imasu”, và gộp lại nó mang nghĩa “đang chơi”.
Nếu chúng ta so sánh với câu thể “ni” trước, cả hai sẽ trông khá tương đồng:
Yui ở công viên.
yui wa kōen ni imasu.
ゆい は こうえん に います。
ゆいは公園にいます。
Yui đang chơi ở công viên.
yui wa kōen de asonde imasu.
ゆい は こうえん で あそんで います。
ゆいは公園で遊んでいます。
Cả hai câu đều có từ “imasu”. Sự khác biệt duy nhất là ở câu thứ hai có thêm động từ asonde, và tất nhiên trợ từ được dùng ở hai câu cũng khác nhau.
Phải hiểu rõ, việc “imasu” có trong câu không ảnh hướng tới trợ từ mà ta sử dụng.
Bởi vì động từ chính miêu tả hành động vẫn là “asobimasu”.
Việc chọn trợ từ “de” không liên quan gì tới thể của động từ cả.
Điều quan trọng là hành động được mô tả ở động từ chính. Trong trường hợp này, câu nói đang mô tả hành động chơi, nên “de” được sử dụng để chỉ ra hành động này đang diễn ra ở đâu.
Chúng ta chỉ nên sử dụng “ni” để chỉ vị trí trong những câu mô tả sự tồn tại thôi.
Động từ ít gặp như đứng và ngồi
Động từ “suwarimasu” và “tachimasu”, nghĩa là “ngồi” và “đứng”, thường được dùng với địa điểm đi kèm với trợ từ “ni”. Nghe có vẻ đi ngược lại với những gì ta đã nói, nhưng thực chất thì không.
Lí do “ni” được sử dụng ở những trường hợp này bởi những động từ này diễn tả hành động tức thì đứng hay ngồi. Hãy lấy ví dụ để làm rõ:
Yui đã ngồi xuống một chiếc ghế.
yui wa isu ni suwarimashita
ゆい は いす に すわりました。
ゆいは椅子に座りました。
Câu này diễn tả khoảnh khắc Yui từ tư thế đứng chuyển sang tư thế ngồi. Chiếc ghế mà Yui ngồi lên chính là đích đến của hành động đó. Nên, trợ từ “ni” trong câu này:.
Ngồi xuống một chiếc ghế.
isu ni suwarimasu.
いす に すわります。
椅子に座ります。
… đồng nghĩa với trợ từ “ni” trong câu này:
Đi tới nhà ga.
eki ni ikimasu.
えき に いきます。
駅に行きます。
Cái ghế chính là điểm đích của hành động ngồi, giống như nhà ga là đích đến của hành động đi.
Nhưng, nếu ta đổi như sau:
Yui đang ngồi trên một chiếc ghế.
yui wa isu ni suwatte imasu.
ゆい は いす に すわって います。
ゆいは椅子に座っています。
Ở đây, ngồi đã trở thành một hành động tiếp diễn. Vậy làm sao có thể nói được chiếc ghế là đích đến của hành động đó? Không phải giờ đây nó đã trở thành một địa điểm nơi hành động xảy ra 1 cách tiếp diễn sao?
Trông có vẻ như vậy nhưng thực chất là không.
Thực chất, câu này bao gồm hai hành động
1. Ngồi trên ghế (suwatte)
2. Hiện hữu (imasu)
Ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, Yui đã chuyển từ tư thế đứng sang ngồi, và đích đến của hành động đó là chiếc ghế. Và giờ, hành động bây giờ chỉ còn là “hiện hữu” (imasu), ngụ ý rằng cô ấy đang ở trên chiếc ghế với tư thế ngồi.
Theo khái niệm, điều này hơi phức tạp một chút, nhưng nó giải thích lí do vị trí đi kèm với hành động như “suwarimasu” hay “tachimasu”, cũng như “norimasu” (cưỡi) được xác định bằng trợ từ “ni” thay vì “de”, ngay cả với thể ~te imasu.
Xem thêm: Cẩm nang tự học tiếng Nhật giao tiếp thành công
Tóm lược trọng tâm
Sau đây là điểm khác biệt giữa cách dùng trợ từ “ni” và “de” để chỉ vị trí:
• Ni cho biết địa điểm của sự vật
• De cho biết địa điểm xảy ra hành động của sự vật
• Để dễ áp dụng, hãy ghi nhớ:
• “Ni” (riêng tác dụng chỉ vị trí) thường chỉ được dùng với những động từ chỉ sự tồn tại – đặc biệt là “imasu” và “arimasu”
• “De” được dùng với động từ mô tả hành động, là hầu như tất cả động từ còn lại.
• Với một số động từ như “suwarimasu” (ngồi) hay “tachimasu” (đứng), đi kèm với những danh từ trông giống vị trí (ví dụ như ghế) thì thực chất đó là đích đến của hành động, do đó ta sử dụng trợ từ “ni”.
Muốn học tiếng Nhật thật tốt bạn phải nắm rõ được trợ từ và cách sử dụng của chúng thì mới có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này trong giao tiếp. Dekiru chúc bạn học tập thật tốt nhé có được điểm số thật cao trong các bài thi JLPT sắp tới nhé!
Để có thể chinh phục tiếng Nhật thì các khóa học tiếng Nhật Online N5 N4 N3 N2 N1 tốt hiện nay tại Dekiru vẫn đang chờ các bạn khám phá tại đây nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét